Đến từ : Ở một nước ngoài xa xâm nào đó
| Tiêu đề: Lũ cuốn cả trăm km, sống sót 1 cách thần kì Sun Jan 15, 2012 9:28 am | | | | | | | Đã gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng trận lụt năm Giáp Thìn - 1964, là cơn đại hồng thuỷ tang thương nhất từ xưa tới nay. Trận lũ lịch sử khiến hàng chục ngàn người chết tại nhiều địa phương ở miền Trung. Nhiều ngôi làng bị xoá sạch, san phẳng sau đợt "sóng thần" dữ dội đổ từ thượng nguồn xuống, đặc biệt là những làng ven sông Thu Bồn - Quảng Nam. Trận lụt ấy, làng Đông An (nay thuộc xã Quế Phước, huyện Nông Sơn, Quảng Nam) là nơi thảm thương nhất. Lũ đã cuốn khoảng ba ngàn người của làng, sau trận lụt vỏn vẹn chỉ còn 19 người sống sót (trong đó có gần nửa là người đi làm ăn, học hành ở xa nên thoát nạn). Trong số những người thoát chết của làng Đông An, chúng tôi gặp lại ông Lương Mân, nghe ông kể lại ký ức kinh hoàng khi trôi giữa dòng nước lũ 50 năm về trước... Ông Mân sẽ không bao giờ quên ký ức kinh hoàng của trận lũ lịch sử Trận "đại hồng thuỷ" Đến xã Điện Thắng Nam, chỉ sau một vài lần hỏi thăm nhà ông Bảy Mân, người thoát chết diệu kỳ trong trận lụt năm Giáp Thìn thì hầu như ai cũng biết. Ông đang sống ở quê vợ, thuộc thôn Phong Lục Tây (xã Điện Thắng Nam, huyện Điện Bàn, Quảng Nam), một làng quê đậm chất xứ Quảng. Sinh ra trong gia đình có 11 người con, ông Mân là người thứ bảy, sau trận lụt, chỉ còn lại 3 người, trong đó người anh thứ 4 đi học ở Hội An nên thoát nạn. Bảy Mân và người anh nằm trong số hơn mười người thoát chết diệu kỳ trong trận lũ đó. Nhắc đến chuyện cũ, gương mặt ông Bảy Mân trở nên u buồn. Hướng ánh mắt về quê hương, cách nơi ông ở hiện nay khoảng trăm cây số, dường như những ký ức đau thương oà về. Ông Bảy Mân nhớ như in, vào khoảng đầu tháng 10 Âm lịch năm Giáp Thìn (1964) trời miền Trung đổ mưa. Nhưng ở quê ông và những vùng lân cận thì mưa không nặng hạt. Bảy Mân đang học ở Tam Kỳ (Quảng Nam), về nhà xem tình hình thế nào nhưng không ngờ lại mắc lụt ở quê luôn. Đến khoảng trưa ngày 6-10 (âm lịch) mưa bắt đầu to dần. Vài ba tiếng sau thì mưa như thác đổ. Nước sông Thu Bồn dâng cao. Nhưng người dân nghĩ chỉ lũ lụt như những lần trước nên đưa người già và trẻ em trú ở đình, chùa, những gia đình cao ráo. Không ngờ càng lúc nước càng lên cao khiến không ai kịp trở tay! Thoát chết diệu kỳ Khoảng 18- 19 giờ ngày hôm đó, Bảy Mân và anh Hai chèo hai chiếc ghe đến nhà hàng xóm để đưa người nhà và những người dân khác đến quả đồi cao trong lúc nước dâng tràn chóng mặt. Bỗng dưng từ phía trên núi, trên các quả đồi, nước ào ào toả trắng trời đêm đổ xuống làng cuốn phăng tất thảy (vùng núi thường gọi là lũ ống, lũ quét). Người người chới với, tiếng kêu la, kêu cứu thảm thiết. Tiếng cầu kêu lịm dần theo dòng nước. Ông Bảy Mân bây giờ Bảy Mân bị cuốn vào một cây mít to nhất làng. Mân nhanh tay bíu vào, leo lên cành cao nhất. Nghe tiếng kêu la vọng xa mà không thể làm gì được, Bảy Mân chỉ biết ôm chặt lấy cành cây. Một lúc sau, có ông Dung và bà Quyễn - người trong làng cũng may mắn bám được vào cây mít. Bảy Mân tụt xuống, kéo họ lên nhánh cao hơn. Thời gian trôi thật nặng nề và đáng sợ. Lạnh cóng, ba người bám ở cây mít nhưng không ai nói với ai câu nào. Khoảng vài tiếng sau, trong đêm đen giữa dòng nước lũ, Bảy Mân nghe câu nói duy nhất: Bà Quyễn nói: "Tui chết trước ông đây", rồi rơi tõm xuống. Khoảng hơn một tiếng sau, Mân lại nghe thêm một tiếng "tõm" lạnh gáy - Ông Dung không còn đủ sức để chống chọi lại nên đành buông tay. Bảy Mân cũng đành nhắm mắt chờ chết. Khoảng 4-5 giờ sáng hôm sau, cây mít gãy đôi, bị cuốn phăng giữa dòng lũ. Bảy Mân phó mặc cho dòng nước đẩy đưa... May thay, khi nhắm mắt để mặc số phận thì Bảy Mân lại vướng vào một cây gạo cao to nhất làng. Khi leo lên được nhánh cao của cây gạo thì cảm giác rùng rợn khác kéo đến, khi trên cành cây gạo tập trung hàng trăm con rắn cũng bò lên tránh lũ. Bảy Mân hoảng hồn trườn xuống. Lần này không chết vì lũ, có khi lại chết vì rắn cắn!!! Bám trụ được một lúc thì có anh Xân ở làng cũng bị nước lũ tấp vào. Có người "cùng hội cùng thuyền", Bảy Mân cũng vơi chút lo lắng nhưng vẫn sợ lũ rắn, Bảy Mân bàn với Xân tìm cách thoát khỏi cây gạo đầy hiểm nguy nhưng Xân không đồng ý. Thế là Mân quyết định cởi bỏ quần áo, chỉ mặc quần đùi rồi nhắm đích là tháp chuông nhà thờ ở phía xa để bơi đến. Bơi được nửa đường thì Bảy Mân không còn đủ sức nữa, người lịm đi, buông tay mặc số phận. Lúc đó khoảng 13 giờ chiều. Nước lũ hung dữ đẩy Bảy Mân lướt vèo. Không ngờ như có phép mầu, Bảy Mân lại vướng vào cây cổ thụ từ trên nguồn đang trôi dạt. Bảy Mân bám đu được vào nhánh rễ của cây. Khoảng gần một tiếng sau, nước lũ đẩy cây cổ thụ về tới chợ La Nghi- Hội An, nơi cách xa làng Đông An gần cả trăm cây số. Lúc đó, Bảy Mân biết mình sống sót nhưng vì đói lạnh nên lịm đi. Bảy Mân được người dân ứng cứu đưa vào bệnh viện. Sự sống sót của Bảy Mân dường như là phép mầu nhiệm, khó có thể tưởng tượng được. Ông Bảy Mân đang kể lại câu chuyện về trật lụt lịch sử Xé lòng ngày trở về Bảy ngày sau, khi đã phục hồi sức khoẻ, trời yên biển lặng, Bảy Mân trở về quê trên một chiếc xe của Hội chữ thập Đỏ. Làng quê tan tác, không còn một dấu vết của sự sống. Tiếng gào khóc thảm thiết, ai oán. Bảy Mân đôn đáo đi tìm tung tích gia đình thì được biết, chỉ còn anh Hai sống sót. Còn người anh thứ tư ở Hội An nên may mắn không hề hấn gì. 11 người thân trong gia đình đều đã ra đi. Điều đau đớn là gia đình bên ngoại chỉ tìm được xác mẹ và một người chị vướng vào gốc cây cổ thụ của làng, còn lại đã bị lũ cuốn đi hết. Đó là những ngày kinh hoàng nhất trong cuộc đời ông Mân. "Tâm nguyện của tui dường như đã hoàn thành, muốn con cháu mình học hành thành tài để mang lại tiếng thơm cho làng Đông An khi gần 50 năm về trước lũ đã cuốn trôi dường như tất thảy", ông Bảy Mân trầm tư. Ở làng Đông An, mới đây, con cháu trong ngoài làng vừa góp tiền xây được một đình làng bề thế trên nền đất cũ xa xưa. Bên cạnh đình làng, là một nhà cúng lụt, dùng để thờ cúng những vong hồn lưu lạc. Người làng hiện sống rất đoàn kết, nhiều người thành danh hướng về quê hương để xây dựng lại quê nhà. Câu chuyện thoát chết của người anh trai Bảy Mân và một số người làng cũng ly kỳ không kém. Theo lời kể, anh Hai và người cha trôi dạt trong dòng lũ, hai người bám được vào một cây mít. Nhưng rồi cha của Bảy Mân không còn trụ được khi cây mít gãy.Người anh may mắn bị sóng đánh lên một mái nhà tranh, trôi dạt xuống Giáng Hoà (nay thuộc huyện Đại Lộc, Quảng Nam). Ngoài ra còn có ông Bảy Ruộng, bà Nhí, vợ chồng ông Hai Gián đã thoát chết trong trận lũ lịch sử đó. Trong số 19 người còn sót lại của làng Đông An thì Bảy Mân là người trẻ nhất, lúc đó khoảng 16 tuổi, còn người lớn tuổi nhất là ông Bảy Ruộng, khoảng 45 tuổi. Bám trụ làng được khoảng 6 tháng, những ký ức buồn đau và những tiếng khóc than thảm thiết hàng đêm ám ảnh khiến Bảy Mân không thể chịu được nữa nên đành rời làng tìm kế sinh nhai. Bảy Mân xuống Đà Nẵng, ăn chay trường hàng tháng trời khi tìm đến các nhà chùa xin ăn để đạt được ước nguyện tiếp tục đi học. Sau khi học xong trung học, Bảy Mân ra Huế học ở trường Cán sự y tế 3 năm. Sau đó ông xin vào công tác ở một bệnh viện ở Đà Nẵng (nay là Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng). Sau đó ông chuyển vào Bệnh viện Duy Tân (nay là trụ sở của Bệnh viện Quân y 17 ngày nay). Cũng vào thời điểm đó, Bảy Mân gặp bà Phan Thị Kim Minh ra Đà Nẵng làm thợ may từ năm 1968 khi rời làng Phong Lục Tây (xã Điện Thắng Nam ngày nay). Hai người yêu nhau, đến năm 1972 thì họ tổ chức lễ cưới. Sau giải phóng, Bảy Mân về quê vợ sinh sống, làm công tác y tế ở thôn xã, quyết tâm làm ruộng vườn để nuôi con cái ăn học. Đến nay, các con ông đều trưởng thành, được học hành chu đáo. | | | | | | |